Nếu bạn bắt đầu tìm hiểu về Joomla chắc bạn cũng sẽ thắc mắc Joomla là gì? Nhiều người khuyên bạn, nếu muốn làm website thì hãy thử Joomla! Với việc Joomla 3.5 được phát hành thì lời khuyên này càng đáng giá. Tại sao vậy?
Theo như Wiki định nghĩa thì …
Joomla! là một hệ quản trị nội dung nguồn mở, đươc cung cấp miễn phí theo giấy phép GNU. Joomla được viết bằng ngôn ngữ PHP và kết nối tới cơ sở dữ liệu MySQL, cho phép người sử dụng có thể dễ dàng xuất bản các nội dung của họ lên Internet hoặc Intranet.
Cũng hơi khó hiểu nhỉ. Ngắn gọn thì Joomla là bộ công cụ cho phép bạn tạo một trang web đơn giản, nhanh chóng, dễ dàng mà không cần hiểu biết nhiều về lập trình (nhưng để sử dụng được các tính năng nâng cao của Joomla, bạn cũng sẽ phải mất kha khá thời gian tìm hiểu đấy).
Với Joomla, bạn có thể tạo blog, trang web tin tức, trang web công ty, trang web bán hàng, hay phức tạp hơn như mạng xã hội, một diễn đàn… Joomla hoàn toàn có thể đáp ứng cho bạn với thư viện mở rộng phong phú (dĩ nhiên là càng phức tạp thì càng phải nghiên cứu nhiều) và nhất là trong thư viện này phần lớn là miễn phí.
Và trên hết, Joomla hỗ trợ SEO cực tốt với các extension như SH404SEF , SEO generator …
Joomla là bộ công cụ xây dựng website, và nó có hai phần:
- Front-end : phần mặt trước của trang web, phần mà tất cả mọi người trên internet truy cập vào website của bạn đều có thể thấy được.
- Back-end: phần mặt sau, phần chỉ dành cho người quản trị website.
Cụ thể thì …
Phần Front-End là những gì mà người xem được truy cập trên website của bạn. Nó sẽ trông giống như thế này. (Bạn hoàn toàn có thể thay đổi diện mạo của website nếu bạn có quyền quản trị của Joomla)
Để truy cập phần Front-End, bạn chỉ cần gõ địa chỉ website, và mọi thứ đã được hiển thị cho bạn.
Phần Back-End là phần quản trị, bạn có thể điều chỉnh các thiết lập website của bạn ở trong này, ví dụ như đổi logo, thêm menu, viết bài mới, thêm những tính năng mới cho web site của bạn… tất cả đều nằm ở trong này.
Để truy cập phần Back-End, bạn truy cập vào đường dẫn trang quản trị của bạn, có dạng.
http://ten-mien.com/administrator
Đăng nhập bằng cách sử dụng tài khoản quản trị bạn tạo khi cài đặt Joomla.
Vì phần Back-End có khá nhiều chức năng nên mình sẽ giới thiệu qua để bạn có thể nắm bắt được một cách tổng quát nhất.
Nhìn lên thanh menu trên cùng của Back-End, bạn sẽ thấy có các mục:
- System: Bạn có thể chỉnh các thiết lập chung của trang web ở đây. (Khuyến cáo đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, vì nó có khá nhiều tùy chỉnh phức tạp.)
- Users: Thêm, xóa, sửa, phân quyền người dùng và quản trị viên.
- Menus: Quản lý các menu.
- Content: Thêm, xóa, sửa ảnh, các bài viết, các chuyên mục của website. (Viết blog, đăng các tin tức ở đây.)
- Extensions: là thành phần mở rộng của Joomla, là những phần mềm được viết đặc biệt để tích hợp vào Joomla nhằm tăng cường và mở rộng chức năng cho website. Như tạo slider show ảnh, một biểu mẫu liên hệ, hay cả giao diện của trang web. Có 5 loại extensions cơ bản là components, modules, plug-ins, templates và languages.
- Components: là một extension của Joomla, nhưng vì nó rất phức tạp nên được đặt riêng một menu. Đây là một ứng dụng thực hiện và hiển thị những nội dung đặc biệt trên website của bạn. Ví dụ như một hệ thống mua bán trực tuyến hay một diễn đàn v.v…
- Help: Các trang web trợ giúp bạn khi sử dụng Joomla như diễn đàn, wiki … Đây là nguồn dữ liệu lớn và hữu ích nếu bạn muốn tìm hiểu sâu về Joomla. Đương nhiên là tất cả đều bằng Tiếng Anh.
Có thể bạn sẽ hơi bối rối khi phần Back-End (quản trị) hơi khó hiểu. Nhưng một khi đã thành thạo thì bạn sẽ nhận ra Joomla rất mạnh mẽ.
Đến đây thì chắc bạn cũng đã hiểu sơ qua Joomla là gì rồi. Bây giờ hãy thử cài đặt Joomla lên hosting của bạn xem sao? Nếu bạn chịu khó tìm tòi và với một chút thẩm mĩ, có thể bạn sẽ biến website của mình rực rỡ như thế này.